Tôi
nhận lời mời tham dự cuộc offline của Câu lạc bộ xe
đạp Pháp Nhuệ Giang (Hà Đông – Hà Nội) với tâm thế:
cũng chỉ là một nhóm chung cái thú chơi xe cổ mà nhóm
họp với nhau cho “xôm” vậy thôi. Hóa ra, tôi đã nhầm.
Ở cái buổi gặp gỡ ngắn ngủi ấy, tôi đã được gặp
bao nhiêu “kỳ hoa dị thảo”, chiêm ngưỡng những chiếc
xe đẹp đến mức đủ gợi lại cả một quá vãng vàng
son… Hơn hết, tôi còn thấy yêu quý những nghệ - sỹ -
tay – ngang bởi họ cho tôi hiểu, những chiếc xe đẹp
đẽ và rất đắt giá kia đôi khi chỉ là phương tiện
để những con người xa lạ xích lại gần nhau, yêu quý
nhau hơn…
Những
“dị nhân” gần gũi
Gần
trọn một buổi chiều tôi lang thang ở quán cà phê “nhà
tranh vách lá” ở Hà Đông để được thỏa thê chiêm
ngưỡng hàng trăm chiếc xe đạp Pháp cổ. Mải mê ngắm
xe, rồi lại được lân la trò chuyện với chủ nhân của
những chiếc xe đẹp đẽ ấy, mới thấy đằng sau mỗi
chiếc xe đẹp là cả một câu chuyện thú vị và những
vị chủ nhân của chúng cũng “độc đáo” không kém.
Với riêng tôi, trong cuộc sống quá vội vã và bộn bề
này, họ thực sự là những “dị nhân” vì đã “hoang
phí” quá nhiều thời gian, công sức, tiền bạc cho một
thú chơi mà chẳng biết lời lãi ra sao. Ví như có người
đã gần hết một đời lang thang khắp miền đất nước
với công việc chính là phục chế các công trình kiến
trúc đình chùa cổ, nay “an phận” bên những chiếc xe
đạp mà theo anh là “yêu hơn vợ”. Ví như có người
nức tiếng với một quán ăn nổi tiếng trên phố cổ,
cũng mải mê đeo đuổi những chiếc xe đạp xưa – coi
chúng như là lẽ sống đời mình. Ví như có rất nhiều
người trong số những người có mặt chiều thu hôm ấy
là chủ nhà hàng, kiến trúc sư, họa sỹ; thậm chí cả
thợ sửa xe đạp, chủ trang trại trồng cây cảnh,… Ai
cũng tâm sự, họ vẫn làm nghề chính (là ông chủ, là
họa sỹ, là anh thợ sửa xe,…) để đảm bảo đời
sống với đủ hiện thực của cơm áo gạo tiền, nhưng
trong họ, một phần đam mê dành cho những chiếc xe đạp
cổ lúc nào cũng âm ỉ cháy. Hà Nội đã có dăm ba hội
chơi xe cổ, Câu lạc bộ xe đạp Pháp Nhuệ Giang mới ra
đời hơn 1 tháng, cũng thu hút tới hàng trăm hội viên,
mới biết cái thú rất mất thời gian và tâm sức ấy
thực sự quyến rũ bao người.
Khi
tôi đến buổi offline, dù nơi “hẹn hò” đã có rất
đông người tham dự nhưng ngồi đó, cứ khoảng dăm ba
phút lại thấy một “dị nhân” xuất hiện. Họ vừa
đạp xe, vừa giơ tay vẫy chào anh em bè bạn. Có người
chỉ cần nhìn chiếc đồng hồ hay đôi kính họ đeo cũng
đủ thấy sự giàu có và thành đạt. Nếu không phải họ
đang ngồi trên xe đạp trước mắt tôi, tôi sẽ chỉ có
thể nghĩ họ không bao giờ ra khỏi nhà với loại phương
tiện ấy. Tôi thấy thực sự trân trọng những “dị
nhân” gần gũi này. Với họ, thì giờ để đi xe đến
đây, nói dăm ba câu chuyện với bè bạn và bình luận
sôi nổi về một món đồ trên chiếc xe nào đó – có
thể cũng là quãng thời gian họ kiếm được rất nhiều
tiền. Bỏ qua vật chất để đến với thú vui tao nhã,
niềm đam mê của mình – đó không phải là những điều
rất đáng quý của các “dị nhân” sao?
Xe
là bạn, bạn là xe
Tôi
trò chuyện khá lâu với Tuấn – “ông chủ” một hàng
bánh bao chiên nổi tiếng trên phố Nguyễn Trường Tộ.
Trong giới chơi xe đạp cổ ở Hà Nội, không ai không
biết đến anh và thường gọi anh bằng cái tên thân mật:
Tuấn “bánh bao”. Tuấn bảo, anh có hàng trăm chiếc xe
và mỗi chiếc là cả một kỷ niệm buồn, vui. Chiếc xe
với Tuấn không còn là phương tiện đi lại đơn thuần,
nó khiến anh – chàng trai sinh ra và lớn lên ở Hà Nội,
nhớ da diết cái thời tem phiếu. Khi ấy, muốn mua một
chiếc lốp xe, đôi vành, có khi người ta phải chờ cả
tháng, cả năm. Bây giờ, đời sống đã thay đổi quá
nhiều, nhưng anh vẫn trân trọng từng chiếc xe mình có,
như trân trọng quá khứ vất vả đã trải qua, mà phấn
đấu nhiều hơn trong đời.
Đào
Duy Kiệm – một trong 5 thành viên sáng lập Câu lạc bộ
xe đạp Pháp Nhuệ Giang không giấu được niềm vui khi
“khoe” với tôi, hiện hội của anh đã thu hút gần 100
người. Anh bảo, không phải tất cả những chiếc xe của
bè bạn đều là xe nguyên bản, cũng không phải chúng đều
đắt đỏ hàng trăm triệu đồng, nhưng ai được góp mặt
ở đây cũng “hãnh diện” khi được khoe với bạn bè
“tri kỷ’ của mình. Vui nhất có lẽ là một chiếc xe
đáng giá vài triệu bạc lại vẫn giữ được một chi
tiết phụ tùng nguyên bản mà chiếc xe đáng giá dăm, bảy
chục triệu chưa hoàn thiện được. Thế là bàn luận,
thế là trao đổi, cái tình cứ thế mà lớn lên, mà
thành thân thiết. Xe là bạn, xe lại mang đến cho ta thêm
những người bạn mới. “Không vì cái sự yêu qúy nhau,
đàm đạo trao đổi bên chiếc xe đạp cổ, hẳn chẳng
bao giờ các cụ ngoại tuổi thất thập lại đạp xe đi
về hàng trăm cây số từ Hoài Đức, Thạch Thất lên đây
giao lưu với anh em. Chơi xe rồi mê xe như điếu đổ. Bản
thân tôi từng vì bứt rứt thấy xe thiếu một món phụ
tùng mà đi dăm bảy chục cây số “lùng” bằng được.
Có đêm thức trắng để sửa sang, lắp đặt một món đồ
cho xe…”, Kiệm chia sẻ.
Ông
Nguyễn Khánh Ngọc ở phố Trần Duy Hưng năm nay đã ngoài
70 tuổi. Ông bảo, mấy chục năm trước ông cũng từng
sở hữu một chiếc xe đạp của Pháp, do hoàn cảnh khó
khăn mà phải bán đi. Sau này có điều kiện ông quyết
tâm mua lại một chiếc khác, rất nâng niu, trân trọng.
Cái sự “yêu xe” cầu kỳ đến mức ông chẳng muốn
cho thanh niên mượn, sợ lớp trẻ không hiểu hết giá
trị của những “báu vật” một thời mà kém giữ gìn.
“Chiếc xe đi đến hết đời có khi còn chưa hỏng, thế
khác gì người bạn tâm giao bên cạnh đời ta, làm sao
lại không giữ gìn cho được?”, ông Ngọc cười hiền
lành như một ông tiên khi nói với tôi những điều ấy.
Điều
khiến tôi thấy vui nhất là trong số những người chơi
xe cổ, có rất nhiều thanh niên trẻ tuổi, thậm chí có
người mới tuổi đôi mươi. Điều ấy, nghĩa là lớp
trẻ bây giờ không hề thờ ơ với quá khứ, bên cạnh
những thú vui và đam mê rất thời thượng, họ vẫn quan
tâm và dành tình yêu cho những chiếc xe cổ - những tác
phẩm nghệ thuật thực thụ có tuổi đời gấp mấy lần
chủ nhân trẻ tuổi. Họ cũng hiểu, đằng sau những
chiếc xe là bao nhiêu câu chuyện về đời sống, nỗ lực,
sự vất vả của thế hệ cha anh đi trước…
…Cuối
giờ chiều, một đoàn xe đạp rong ruổi trên phố rồi
ghé làng lụa Vạn Phúc. Đường làng bình yên càng đẹp
hơn trong một chiều thu nắng vàng như rót mật. Đoàn xe
đi qua, hai bên đường bao nhiêu người chiêm ngưỡng.
Người trẻ rỉ tai nhau: “Xe cổ đấy!”. Lại có những
ông cụ râu tóc bạc phơ, đứng bên đường vẫy tay
theo, và bảo: “Lần sau họp, nhớ gọi tôi!”. Với một
thú chơi, tôi nghĩ như thế đã là thành công ngoài mong
đợi…
Lê Phương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét